Di sản văn hóa thế giới Týros

Trường đua ngựa La Mã ở Týros

Năm 1984, UNESCO đã chính thức công nhận Týros là di sản thế giới.[20] Tuy nhiên, thành phố này phải đối mặt với một số thách thức trong công tác bảo tồn. Một đường cao tốc được dự kiến xây dựng trên các khu vực nhạy cảm về khảo cổ học, trong khi một cuộc khảo sát địa vật lý quy mô nhỏ chỉ ra rằng có các di tích khảo cổ học tại các địa điểm mà người ta muốn dùng để xây dựng. Đã có động thái di dời địa điểm dự kiến xây dựng nút giao thông, song vì thiếu ranh giới chính xác nên vấn đề bảo tồn trở nên phức tạp.[21]

Chiến tranh Liban năm 2006 cũng đặt các kiến trúc cổ của Týros vào tình trạng đáng báo động. Khi đó, đích thân Tổng giám đốc UNESCO phải ban hành "Báo động di sản".[22] Sau khi các bên ngừng bắn vào tháng 9 năm 2006, các chuyên gia bảo tồn đã đến Liban và nhận thấy thành cổ Týros không chịu tổn hại trực tiếp nào. Tuy nhiên, những cuộc oanh tạc đã gây hư hại các bích họa trên hang chôn cất La Mã ở Nghĩa địa cổ Týros. Người ta cũng nhận thấy sự xuống cấp của di tích, trong đó có "sự thiếu giữ gìn, sự suy tàn của các kiến trúc ngoài trời do thiếu được bảo vệ trước nước mưa và sự suy thoái của các phiến đá mềm xốp".[21]